Sản phẩm len handmade bán được giá ở nước ngoài: Có phải do người nước ngoài trân trọng đồ len handmade hơn?
Không thể phủ nhận rằng có nhiều người nước ngoài thật sự yêu thích đồ len handmade và họ coi trọng công sức của người làm ra sản phẩm, dù bạn đến từ quốc gia nào. Điều đó thể hiện qua cách họ khen sản phẩm, thái độ của họ khi cầm trên tay món đồ đan móc cũng như cách họ vui vẻ thanh toán cho món đồ đó… Đơn giản là vì họ biết giá trị của món đồ len làm bằng tay phải chăm chút từng đường kim mũi móc và người thợ đã dành rất nhiều thời gian và công sức để làm ra sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu là người thường xuyên bán đồ len handmade cả trong nước và nước ngoài thì bạn sẽ thấy không hẳn người nước ngoài trân trọng đồ handmade hơn. Việc chúng ta thấy sản phẩm handmade nói chung và đồ len handmade nói riêng bán được giá ở nước ngoài hơn thực chất là do chênh lệch về mức thu nhập tối thiểu. Ví dụ ở Việt Nam mức thu nhập tối thiểu là 20k/h nên nếu bạn bán một con búp bê len với giá 500k (bằng 25h công) thì một số người mua hàng là người Việt Nam sẽ chê mắc. Trong khi đó ở Mỹ, thu nhập tối thiểu một giờ tạm tính là 10 USD, khi đó con búp bê 500k chỉ tương đương 20 USD, tức là chỉ 2h công nên họ vui vẻ trả tiền. Nếu mình tăng giá lên cao hơn, tầm 40 USD (4h công) thì sẽ bắt đầu có người chê mắc, còn ví dụ tăng lên 25h công (250 USD) thì đây thực sự là một mức giá không tưởng và bạn gần như không bán được hàng trừ khi mẫu búp bê đó quá đặc biệt và xuất sắc.
Một ví dụ khác để dễ hình dung hơn là bạn cứ so sánh giá một tô phở ở Việt Nam (tầm 50k) và ở Úc (tầm 200k), bạn sẽ hiểu sự khác nhau khi một người Úc mua một sản phẩm ở Việt Nam với giá 450k và khi họ mua sản phẩm đó với giá 450k ở bên Úc. Nếu họ mua 450k ở bên Úc, tính so với mức lương và mức sống bên đó thì giá đó rẻ hơn 200k ở Việt Nam nhiều.
Nếu dạo quanh các group đan móc len nước ngoài, bạn cũng sẽ thấy có rất nhiều bài post than thở về giá cả đồ len như ở Việt Nam. Như con búp bê được bán 500k ở trên, thì ở nước họ có thể được bán với giá 100 USD (10h công) và cũng có người chê mắc như thường, dù có khi họ phải mất đến 2 ngày để hoàn thiện 1 con búp bê. Cũng rất ít người nước ngoài có thể kiếm đủ sống bằng nghề này nếu chỉ bán sản phẩm len tự làm. Vậy nên, ở đâu cũng có người này người kia, quan trọng là mình cứ làm sản phẩm bằng tất cả cái tâm, chắc chắn mình sẽ tìm được tệp khách hàng phù hợp.
Nói vậy để bạn thấy rằng ở Việt Nam mình cũng có rất nhiều khách hàng trân trọng đồ len handmade, họ không bao giờ mặc cả trả giá. Nhiều người thậm chí còn trả thêm công cho sản phẩm vì họ thấy món đồ đó xứng đáng được trả mức giá như vậy. Đây thực sự là niềm vui và động lực của những người làm sản phẩm len handmade.
Một bé búp bê được hoàn thiện từ rất nhiều chi tiết khác nhau.
Còn một điều nữa hơi tế nhị mà bạn có thể cảm nhận được nếu sống một thời gian ở nước ngoài (cụ thể là châu Âu) là ít nhiều gì sản phẩm len chúng ta làm ra cũng bị phân biệt với người bản xứ. Mặc dù đồ len handmade mình làm không thua kém họ nhưng họ vẫn ép giá mình vì đánh đồng đồ len của mình với đồ gia công Trung Quốc giá rẻ. Vẫn có một bộ phận người phương Tây vì một lý do nào đó mà họ không đề cao đồ len handmade của châu Á. Ví dụ như con búp bê ở trên, nếu người Việt mình bán 50 USD, họ sẽ cân nhắc ít nhiều và trả giá, trong khi nếu người nước họ bán 100 USD thì có thể họ vẫn sẽ sẵn sàng mua hoặc chấp nhận mua.
Nhiều người thấy giá đồ len handmade trên các sàn thương mại điện tử quốc tế khá cao lại nghĩ đồ len bán ở nước ngoài rất được giá. Sự thật thì nhiều người bán đã cộng cả các chi phí nguyên vật liệu cũng như chi phí sàn hoặc chi phí vận chuyển vào giá bán. Ví dụ bạn thấy giá một con búp bê len trên Etsy là 2 triệu đồng, ai không biết còn nghĩ shop bán rất được giá. Nhiều khi phí sàn đã lên đến 1/3, phí ship 1/3 nên con số thực nhận cũng chỉ nhỉnh hơn giá trong nước một chút, chứ chưa hẳn là được giá hay đúng giá trị của món hàng.
Ngoài ra thêm khoảng thuế, chi phí vận hành, chi phí nhân công, gửi hàng, rủi ro mất hàng/hoàn hàng... nói thật nếu như một món đồ len handmade bán ở Việt Nam giá 200k và mang qua châu Âu bán giá 500k (gấp 2.5 lần), nhiều người có thể sẽ không bao giờ làm, vì chẳng đáng với rủi ro và chi phí bỏ ra.
Bán đồ len handmade cho khách nước ngoài, việc tính giá sản phẩm xứng đáng với công sức mình bỏ ra là chuyện nên làm và cần làm nhưng bạn phải hiểu rõ thực tế thị trường bạn nhắm tới chứ không thì sẽ không hiệu quả. Trừ khi bạn làm cho vui không quan trọng chuyện có bán được hàng hay không, còn nếu muốn bán được hàng thì bạn phải cân bằng giữa cả hai: công lao động của bản thân và sức mua của thị trường.
Tham gia group để chia sẻ cùng các chị em yêu len nhé: LENBIZ - Lan tỏa tình yêu đan móc
Like page để cập nhật nhanh các mẫu và tin tức mới nhé: LENBIZ.vn - New Page
>>> Bán đồ len handmade cho khách nước ngoài (1): Cách thức thanh toán
>>> Bán đồ len handmade cho khách nước ngoài (2): Cách thức vận chuyển
Tags: