Tính chiều cao thú bông len như thế nào để định giá phù hợp?
Ảnh: FB Đặng Phương
Tính tai hay không tính tai – câu hỏi muôn thuở
Mới đây chị Đặng Phương có đăng đàn hỏi về cách tính vảy hay không tính vảy cho bạn khủng long xanh. Khách yêu cầu chị móc con khủng long tăng size cao 50cm. Mọi chuyện lấn cấn bắt đầu từ việc có tính vảy hay không tính vảy với chiều cao đó.
Đa phần khách đều tính kiểu này: thỏ sẽ không tính tai, trâu sẽ không tính sừng, ong sẽ không tính râu, rồng sẽ không tính vảy... cứ tới ngay đỉnh đầu mà tính. Đó cũng là lý do nhiều khách tá hỏa khi thấy sản phẩm nhận được sao bé hơn so với tưởng tượng (ngay cả khi đã được báo rõ).
Trong khi đó, dân đan móc thường thì sẽ tính chiều cao thú bông len từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất. Tuy nhiên, với các bạn cún và gấu tai thấp, dĩ nhiên chiều cao sẽ hụt đi nên tính từ chân lên đầu cũng được. Với những mẫu nhỏ tai ngắn thì có thể không tính thêm vào nhưng với các mẫu thú tăng size, tăng 5-10cm thôi đã là cả vấn đề, vừa tốn thêm len vừa mất thêm công. Nếu mà không tính thì người thợ đan móc sẽ bị thiệt, sản phẩm bán ra không đủ tiền công và lời.
Ảnh: FB Đặng Ly
Như bé thỏ tăng size cao 1 mét cả tai này làm hết 12 cuộn len Jeans YarnArt nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ, phần đầu mất hết 2 cuộn, 2 cái tai cao 20cm cũng gần 2 cuộn len. Nếu không tính tai thì phần nguyên liệu làm tai biết tính vào đâu, rồi còn công móc ngang ngửa cái đầu nữa.
Chị Alex Chou chia sẻ: “Tính cả chứ, giống như con thỏ, không thể bỏ cái tai ra mà tính được. Đã là 1 phần của con thú thì không thể tách rời và phải tính tổng thể. Gấu 1m2 của tớ đây, cái tai cũng hơn 10 cm rồi”.
Ảnh: FB Alex Chou
Vậy tính chiều cao thú bông len như thế nào để tính công phù hợp?
Thường thì sẽ tính cả các chi tiết, nếu khách khó quá thì bỏ qua. Đừng nghĩ khách nào cũng hiểu giống mình nên lúc báo giá cứ báo rõ, không tính vảy/ sừng/ râu… là bao nhiêu cm mà tính luôn là bao nhiêu cm, hoặc tính từ đầu tới chân/ đuôi là bao nhiêu chứ không chỉ báo tới vảy, gặp khách oái oăm người ta lại nói mình báo khống giá mất công.
Nhiều khách khó tính, chi li từng cm, cứ nghĩ tăng size đơn giản nên yêu cầu này kia. Bạn không thể cắt tai, sừng, râu, vảy… của các con thú nếu khách hàng không chịu trả thêm tiền. Bạn Đinh Kim Ngân chia sẻ: “Tớ thì có phương châm cũng chiều khách nhưng không để khách làm khó mình. Vì đồ handmade không phải khách nào cũng hiểu. Nếu họ không thoải mái thì tớ không làm và họ yêu cầu quá nhiều tớ cũng không làm, chọn khách mà làm thôi”.
Ngoài ra, chúng ta nên tính giá tiền không chỉ theo size mà còn tùy thuộc độ phức tạp của con thú bông nữa. Ví dụ như với thỏ tai cụp hoặc với những bé búp bê bé xíu nhưng nhiều cho tiết rườm rà của váy áo, giày vớ…chẳng hạn. Để hoàn thiện những chi tiết này còn mất nhiều thời gian hơn những mẫu thú to.
Giờ thì hẳn bạn đã biết cách tính chiều cao thú bông len như thế nào để tính công phù hợp cũng như biết cách để nói rõ với khách. Hy vọng từ giờ trở đi, khách sẽ không làm khó dễ bạn vì vấn đề này nữa.
Lenbiz.vn tổng hợp
Tags: