Đan móc thú bông và búp bê len: Nhồi bông sao cho đều và đẹp?
1/ Tip đầu tiên là nên dùng bông hạt, bông bi chuyên nhồi thú bông/ búp bê. Đây là loại bông gòn có độ đàn hồi và chịu lực khá tốt, sản phẩm cũng ít bị xẹp trong quá trình sử dụng và giặt giũ. Về dụng cụ để hỗ trợ việc nhồi bông dễ dàng hơn, bạn có thể dùng bất kỳ cây/ que nào miễn thấy thuận tiện. Với những mẫu lớn thì có thể dùng đũa, dùng que lớn để nhồi chắc chắn hơn. Những mẫu nhỏ và dài có thể dùng nhíp/ kẹp chuyên dụng để gắp bông gòn dễ dàng hơn.
2/ Nhồi từ từ từng ít một. Nhồi xung quanh từng bộ phận trước để định hình form rồi mới nhồi thêm bông vào chính giữa để tạo độ căng tròn mướt mắt cho thú bông và búp bê. Với những bộ phận như tay, chân hay các chi tiết nhỏ dài nếu có nhồi bông thì nên nhồi trong quá trình móc, móc tới đâu nhồi tới đó, vì nếu móc xong rồi mới nhồi sẽ rất khó, nếu vẫn cố nhồi sẽ làm giãn len, biến dạng các bộ phận. Đặc biệt với các mẫu búp bê có luồn kẽm, nguyên tắc này nên được áp dụng.
Nhiều nơi móc sỉ thú bông hay búp bê thường chia mỗi người một công đoạn: người móc riêng, người nhồi bông và khâu ráp riêng. Việc nhồi bông sau khi đã gần hoàn thiện các chi tiết này khiến nhiều người thấy khó làm và khó có thể đều đẹp bằng móc tới đâu nhồi tới đó, nhưng nếu làm quen tay, bạn sẽ biết cách để nhồi bông phôi thú bông/búp bê sao cho đều đẹp.
3/ Một lưu ý quan trọng nữa là nhồi kỹ, nhồi chặt đoạn nối 2 chân thú bông/búp bê và phần cổ để giúp chúng đứng vững hơn về lâu dài. Nếu nhồi không kỹ những phần này, thú bông/búp bê sẽ dễ oặt ẹo. Những chi tiết tạo điểm nhấn cho thú bông hay búp bê cũng cần được chú ý nhồi kỹ: má phính, bụng phệ, mông cong, vai xuôi... Ngoài ra phần khuôn mặt cần được nhồi kỹ để tránh bị chùng hay bị lồi lõm không đều, nhất là phần phía dưới cằm. Nhồi căng phần đầu, thú bông và búp bê sẽ tràn đầy sức sống hơn, khi ấy tạo hình khuôn mặt sẽ càng sống động.
4/ Về câu hỏi nên nhồi bao nhiêu là đủ, nên nhồi mềm hay cứng thì bạn cứ nhồi chặt vừa phải, cầm thú bông hay búp bê lên thấy chắc tay là được. Nhồi căng quá thì sản phẩm trông quá béo, nếu mũi đan hay mũi móc không chặt lại rất dễ lộ bông gòn. Nhồi lỏng quá thì sản phẩm trông ốm yếu, vặt vẹo như suy dinh dưỡng, dễ mất form ngay chỉ sau một hai lần giặt và sử dụng, chưa kể bông gòn để lâu một thời gian cũng xẹp bớt. Tốt nhất là nhồi chặt tay vừa phải và đảm bảo lên đúng form sản phẩm muốn làm. Nhồi chặt tay sẽ giúp sản phẩm đứng dáng và hạn chế tình trạng bị xẹp về lâu dài.
5/ Riêng với thú bông và búp bê đan, kỹ thuật nhồi bông sẽ đòi hỏi cao hơn vì thú bông/búp bê đan thực sự rất khó để nhồi đều đẹp. Thú bông/búp bê móc len rất dễ định hình form, thú bông/búp bê đan thì hoàn toàn ngược lại, form của sản phẩm sẽ tùy thuộc rất nhiều vào kỹ thuật nhồi bông của bạn. Nhồi bông không đều sẽ hiện rõ lên bề mặt sản phẩm đan ngay, nói chung khuyết điểm khá lộ liễu. Lỡ tay nhồi căng quá là sản phẩm trông ú nu liền. Bạn cần áp dụng tất cả những lời khuyên trên, đồng thời nhồi bông cẩn thận hơn. Đừng vội vàng vì sẽ làm ảnh hưởng đến hình dạng mẫu.
Hy vọng những tip trên sẽ giúp ích cho bạn ít nhiều trong việc nhồi bông sao cho đều đẹp, từ đó có thêm những sản phẩm thú bông và búp bê len chất lượng về lâu dài.
Tham gia group để chia sẻ cùng các chị em yêu len nhé: LENBIZ - Lan tỏa tình yêu đan móc
Like page để cập nhật nhanh các mẫu và tin tức mới nhé: LENBIZ.vn - New Page
>>> Mẹo đan móc len: Đan móc sao cho đẹp và đều tay?
>>> Những lỗi móc thú bông len thường gặp và cách khắc phục triệt để
Tags: