Mẹo đan móc len: Đan móc sao cho đẹp và đều tay?
+ Luyện tập nhiều
Rất nhiều bạn mới học đan móc làm ra sản phẩm bị xấu, nhìn rất khó coi. Đó là điều bình thường. Ban đầu mới học móc, do còn chưa quen tay nên hầu hết đều móc chỗ chặt chỗ lỏng, mũi to mũi nhỏ không đều nhau, thậm chí còn nhấp nhô, lồi lõm.
Với nghề đan móc len, câu nói “Trăm hay không bằng tay quen”, “Luyện tập làm nên sự hoàn hảo” (Practice makes perfect) thực sự rất thích hợp. Móc nhiều rồi sẽ quen tay, một khi đã quen tay thì móc sẽ đẹp và đều mũi, dần dần sẽ cho ra thành phẩm ưng ý. Móc đi móc lại nhiều lần chắc chắn sẽ tiến bộ.
Các chị em trong nghề còn nói vui rằng “Ăn mì gói nhiều sẽ lên tay”, “Không ăn mì đời không nể!”, ngụ ý chỉ việc móc rồi tháo, tháo rồi móc cho đến khi thấy đẹp mới thôi. Đặc biệt là mỗi khi đan móc thiếu hay thừa 1 mũi, cũng nên cắn răng tháo ra móc lại, chứ “cố đấm ăn xôi” móc tiếp thì cuối cùng nhìn lại vẫn thấy không ưng, lúc ấy lai còn mất công tháo và móc lại nhiều hơn. Nhiều người biết đan móc vài năm nhưng lâu lâu vẫn phải gặp “anh Tháo” dù không muốn chút nào. Vậy nên, muốn sản phẩm đều và đẹp thì trước tiên bạn phải đan móc đúng và đủ số mũi mỗi hàng.
+ Làm chủ lực tay
Lúc mới học đan móc hay chuyển sang dòng len/sợi khác, bạn chưa điều chỉnh được lực tay nên đan móc chưa đều lắm. Nhiều bạn móc váy áo đẹp nhưng khi chuyển qua móc thú bông có thể sẽ chưa đẹp ngay lần đầu vì đã quen móc lỏng tay, trong khi móc thú cần móc chặt tay hơn rất nhiều và ngược lại. Làm chủ lực tay với từng loại sản phẩm, bạn không cần phải lo sản phẩm không đều đẹp nữa. Để làm chủ lực tay đòi hỏi bạn phải luyện tập nhiều và thường xuyên.
Lần đầu đan mẫu mèo này với len Jeans Plus nên chưa quen tay, sản phẩm nhìn chưa được mượt lắm!
Ngoài ra nhiều loại len sợi có chất sợi không đều nhau, dù cùng 1 cuộn hoặc cùng 1 lô, để cho ra sản phẩm đều đẹp thì bạn phải linh hoạt điều chỉnh lực móc của tay: gặp đoạn sợi dày thì kéo chặt tay hơn hoặc gặp đoạn sợi mỏng thì nới lỏng tay ra chút.
Thêm nữa là đan móc liền mạch bạn sẽ dễ làm chủ lực tay hơn. Với những mẫu thú bông hay búp bê size lớn, bạn thường chia nhỏ mỗi ngày móc một bộ phận cho đỡ ngán thì bạn cũng nên móc đôi chân cùng lúc để tránh tình trạng chân to chân nhỏ, chân dài chân ngắn.
+ Trau dồi thêm các mẹo đan móc len khác để sản phẩm đều đẹp hơn
Với mỗi sản phẩm lại có những tip đan móc khác nhau để sản phẩm đều đẹp. Như móc thú, bạn nên móc mũi đơn chữ X thay vì mũi đơn chữ V, chọn size kim nhỏ hơn một chút, móc mũi giảm tàng hình, áp dụng cách tản mũi tròn đều, nhồi bông từng ít một…
Móc mũ nón thì cần vuốt điều chỉnh thêm trong quá trình móc…
Còn móc granny square thì nên block để sản phẩm đứng form hơn…
Hoặc với các sản phẩm đan, lúc mới đan xong nhìn mũi đan chưa đều nhưng sau khi đem giặt xong có thể cải thiện được phần nào. Ngoài ra khi đan khăn, áo... các mép thường bị quăn không như mong muốn, khi ấy sẽ có cách làm nẹp, viền cho đẹp.
Nên nhớ rằng sản phẩm đan móc len là sản phẩm handmade nên nếu đòi hỏi sản phẩm nào cũng đều đẹp như nhau thì e là rất khó. Cùng một người mà đan móc 2 lúc khác nhau là đã cho ra thành phẩm khác nhau, dù họ có kinh nghiệm đan móc len nhiều năm và thường xuyên.
Dù thế nào hãy cứ luyện tập từng chút một rồi bạn sẽ đạt đến trình độ đan móc đẹp và đều tay như mong muốn. Dám chắc rằng sau một thời gian nhìn lại, bạn sẽ thấy bản thân đan móc đều và đẹp hơn lúc ban đầu học rất nhiều.
Tham gia group để chia sẻ cùng các chị em yêu len nhé: LENBIZ - Lan tỏa tình yêu đan móc
Like page để cập nhật nhanh các mẫu và tin tức mới nhé: LENBIZ.vn - New Page
>>> Mới tập móc thì nên móc gì trước?
>>> Những lỗi móc thú bông len thường gặp và cách khắc phục triệt để
>>> 10 tip móc thú bông len đẹp bạn không thể không biết!
Tags: